Logo
Chương 2: Trong Thanh Hoà cung

Nàng nhặt rất cẩn thận nhưng đáng tiếc, nước mưa cùng đất bùn cộng thêm việc lăn lóc vài vòng khiến phần lớn những tờ tiền lộ ra đều bị ngấm nước, dính vào nhau, nát bấy.

Những tờ tiền rách dính vào nhau thế này đâu dùng được nữa, chỉ đành vứt đi. Như vậy có nghĩa là quá nửa cố gắng của nàng trước giờ coi như đổ bỏ…

Nữ tử cúi đầu nhặt, mu bàn tay đột nhiên bị vô số giọt nước nhỏ trúng. Chỉ là những giọt nước này hình như không phải là nước mưa.

Nước mắt khiến tầm nhìn của nàng trở nên mơ hồ, bàn tay cũng dính đầy bùn đất.

“Không trách đệ ấy, đệ ấy còn nhỏ chưa hiểu chuyện…không biết tiền quan trọng thế nào. Chờ sau này, sau này đệ ấy…”

Nàng không nói tiếp nữa, chỉ dùng giấy dầu bọc tiền và món đồ kia lại rồi ngồi im ở đó đội mưa, âm thanh nghẹn ngào, lầm bầm không biết là đang nói điều gì.

*

Đại Linh, tháng 2, năm 1183.

Thanh Hòa Cung, đường Bình Dư, huyện Hoa Tân.

Tàng hồng hình chữ thập trên cành khẽ đung đưa trong gió, từ cánh hoa cuối cùng có vài giọt sương trượt xuống.

Giọt sương rơi xuống, xoẹt qua thân cây cao 10m, nhẹ nhàng vỡ tan trên một khuôn mặt.

Đạo nhân đưa tay lên xoa mặt rồi từ từ nhắm mắt lại, giơ cái hồ lô màu vàng trong tay lên, dí mũi vào lỗ hổng trên đó mà hít hà.

“Một hồ lô xuân say Hải Đường

Rượu còn chưa uống hương đã đưa..

Rượu này đúng là không hổ danh hồ lô rượu nức tiếng gần xa… ngửi thôi mà toàn thân đã thấy rất thoải mái!”

Vẻ mặt đạo nhân si mê cảm khái. Hắn cầm hồ lô, ngửa đầu làm như mình đang uống rượu, tưởng tượng cảnh tự nhiên có vô số rượu ngon từ hồ lô tuôn ra.

Trước mặt đạo nhân là một đạo tràng vẽ Thái Cực đồ hai màu đen trắng, xung quanh là tường trắng quây tròn, hoa mọc san sát.

Một đám đạo sĩ trẻ, mới mười mấy tuổi ngồi xếp bằng trên đạo tràng, miệng lẩm bẩm tụng niệm kinh văn.

“Chặt trúc cần trồng trúc bù, bắt gà phải để lại trứng. Không có việc gì gọi là tốn công phí sức. Tranh giống như thật, duyên phận hàm chứa thánh cơ…”

Đám đạo nhân trẻ tuổi dùng giai điệu một khúc hát để đọc thuộc lòng kinh văn. Bên cạnh bọn họ có hai đạo nhân, một người cầm chuông cống một người gõ trống nhỏ hỗ trợ nhau thành nhạc đệm.

Trong góc có một đạo nhân trẻ làn da hơi ngăm đen, cơ thể có vẻ khá gầy yếu, khuôn miệng khép mở nhưng lại không phát ra bất cứ âm thanh nào.

Rõ ràng là người này chỉ mấp máy miệng cho có lệ.

Trên người hắn mặc một bộ đạo bào màu xanh đậm, trên đầu dùng nguyệt nha quan bằng gỗ cố định búi tóc, nét mặt hiền lành chất phác.

Nhìn bề ngoài thì đang cùng mọi người hợp xướng nhưng thực tế trong đầu hắn đã lẫn lộn trộn với nhau, rồi thành một nùi.

Từ khi hắn đến thế giới này đã được hơn 10 ngày, thế nhưng Trương Vinh Phương vẫn mơ mơ màng màng như buổi đầu tiên, không thể thích ứng được với cuộc sống ở đây.

Vào một đêm nào đó, hắn chỉ đơn giản là nhắm mắt lại, thế mà khi mở ra đã chuyển phỏm đến chỗ khác luôn rồi.

Quan sát hơn 10 ngày, Trương Vinh Phương đã âm thầm thu thập thông tin nên cũng nắm được đại khái tình hình ở đây.

Đây là một quốc gia khổng lồ tên là Đại Linh.

Chỗ hắn đang ở là một đạo quán không lớn không nhỏ nằm trong dãy núi nào đó thuộc khu vực phía tây Đại Linh.

Đạo quán này được gọi là Thanh Hoà Cung.

Trong cái đạo quán bốn bề vuông vức này có khoảng hơn trăm đạo sĩ. Tiện thể thì Trương Vinh Phương hắn cũng là một trong số những đạo sĩ đó.

Mỗi ngày các đạo sĩ đều có khóa sáng, khóa chiều. Ngoại trừ tụng kinh ra thì là làm mấy việc lặt vặt. Thi thoảng cũng có thể nhìn thấy vài đạo sĩ đang tập luyện công pháp đạo môn.

Thế nhưng…

Sau khi Trương Vinh Phương cẩn thận nghe ngóng thì mới biết công pháp đạo môn của thế giới này cũng chẳng có hiệu quả to lớn gì. Nó được sáng chế ra chủ yếu là để dưỡng sinh cầu sống lâu mà thôi.

Không có tiên thuật, không có pháp bảo kỳ lạ, càng chẳng có cái gì gọi là ngự kiếm phi hành.

Đạo sĩ chỗ này tu luyện, chỗ tốt duy nhất nhận được chính là cơ thể khỏe mạnh, ít bệnh tật. Thỉnh thoảng còn có thể dùng để chữa bệnh, chính là dùng khí công trị bệnh như người ta thường nói.

Sau khi gặp gỡ vài lão đạo sĩ trong đạo quán, nghe họ giảng giải đạo pháp cao thâm đến lùng bùng hết cả lỗ tai, hy vọng của Trương Vinh Phương đã tắt ngúm không thèm bốc khói.

Mấy chục năm tu hành cũng chỉ khiến thân thể của các lão đạo sĩ này khoẻ mạnh hơn người thường, sắc mặt hồng hào, chân tay nhanh nhẹn cường tráng. Ngoài ra thì chẳng có sợi lông đặc biệt nào khác.

Trải qua bài tập rèn khí buổi sáng, đám đạo sĩ trẻ tĩnh tọa thêm một lát, đến khi nghe thấy tiếng chuông thì mới dồn dập đứng lên.

“Phải đến hoả phòng ngay đi, nhanh cái chân lên nào. Sáng nay có khách quý đến chơi đấy, mọi người lấy hết tinh thần phấn chấn lên. Đừng có trưng cái bản mặt lười biếng, lề mề thường ngày ra đấy.” Sư huynh phụ trách giám sát khoá sáng, tay cầm phất trần, to miệng quát.

** Hoả phòng: phòng bếp thời xưa.