Logo
Chương 7: Ngang qua cơn gió của năm tháng (2)

Trong nhiều năm tới, bài hát “Tóc như tuyết” này sẽ mãi luôn nổi tiếng, và sẽ năm trong danh sách phát nhạc của Trần Trứ vào năm 2020. Bây giờ anh bất ngờ quay trở lại năm 2007, và được nghe thấy những ca từ quen thuộc này.

Trong lúc bàng hoàng, Trần Trứ cảm giác như như mình vừa lướt qua cơn gió của năm tháng.

“Tại sao cậu đứng đó vậy?”

Hoàng Bách Hàm bỗng nhiên nhìn thấy Trần Trứ ngơ ngác đứng dưới đèn đường, cậu ta không khỏi quay đầu thúc giục.

Trần Trứ chạy mấy bước đuổi theo, sau đó hỏi Hoàng Bách Hàm: “Đại Hoàng, cậu có bao giờ cảm thấy chất lượng âm thanh của đài phát thanh trong trường rất kém, nhưng những bài hát mà nó phát ra luôn hay hơn trong tai nghe không?”

“Có sao?”

Hoàng Bách Hàm thiếu kinh nghiệm sống, hoặc phải nói, bản thân cậu ta đang ở trong chính trải nghiệm này, nên rất khó để hòa nhập vào đó.

Suy cho cùng, người ta không thể có tuổi trẻ và cảm giác của tuổi trẻ cùng một lúc.

Trước cổng trường có một trạm xe buýt, hai người lên xe và tìm chỗ ngồi.

Lúc này có rất ít hành khách, thỉnh thoảng có những người lao động chăm chỉ làm việc ngoài giờ. Một số đang tựa lưng vào cửa sổ nghỉ ngơi, một số đang nhìn xuống điện thoại Nokia màn hình xanh.

Mỗi người đều giống một hòn đảo riêng biệt, ngồi rải rác với nhau, như thể chưa bao giờ có điểm giao nhau.

Khi Trần Trư còn làm việc, anh thường phải tăng ca cho đến đêm muộn, và anh hiểu khá sâu sắc về nỗi cô đơn ngồi trên chuyến xe buýt vào ban đêm.

Cứ như vậy đi qua mấy trạm dừng. Bình thường lúc này hai người sẽ nói rất nhiều chuyện phiếm trong trường, nhưng tối nay tâm tình của Trần Trứ không tốt, thường xuyên nhìn ánh đèn neon ngoài cửa sổ mà rơi vào trầm tư.

“Sao đấy?”

Hoàng Bách Hàm cười ngây ngô và nói: “Tôi cảm giác tối nay cậu cứ là lạ sao đấy, y hệt như thất tình. Tôi đang nghĩ, Du Huyền không có bạn trai.”

Trên thực tế, Trần Trứ đã phải lòng một cô gái thời trung học, không phải Tống Thời Vi mà là một sinh viên mỹ thuật tên Du Huyền.

Cô ấy không chỉ xinh đẹp mà còn năng nổ và quyến rũ, tính cách của cô ấy thu hút sâu sắc những người ru rú trong nhà, ngoài lạnh trong nóng như Trần Trứ.

Hoàng Bách Hàm biết bí mật này, và giống như tất cả những người bạn tốt, cậu ta thường nhắc đến để trêu chọc Trần Trứ.

Trần Trứ thời đó da mặt cũng mỏng. Mỗi khi Hoàng Bách Hàm nhắc đến “Du Huyền”, Trần Trứ sẽ đỏ mặt ngượng ngùng.

Mỗi khi nhìn thấy phản ứng của Trần Trứ, Hoàng Bách Hàm đều cảm thấy hài lòng vì trò đùa của mình đã thành công.

Chỉ là vừa nãy…

Nhìn Hoàng Bách Hàm vui mừng quá mức, Trần Trứ thở dài, đột nhiên duỗi tay giúp Hoàng Bách Hàm chỉnh lại cổ áo: “Tôi không có thất tình, tôi chỉ đang suy nghĩ vài chuyện, trong đó có một việc liên quan đến cậu.”

“Có liên quan đến tôi à? Chuyện gì thế?”

Hoàng Bách Hàm tưởng là thật, đôi mắt “chớp chớp”, có chút khó hiểu trước hành vi của Trần Trứ.

“Tôi phát hiện…”

Trần Trứ vừa nói vừa vô tình nhấc cặp sách lên. Khi xe buýt vừa đến trạm, anh bất ngờ tát cái “bốp” vào mặt Hoàng Bách Hàm với một lực không mạnh cũng không nhẹ, đồng thời chửi: “Cậu là thằng ngu!”

“Má!”

Hoàng Bách Hàm đứng dậy, định chống trả, nhưng Trần Trứ đã nhảy ra khỏi xe buýt từ sớm, cửa xe buýt kêu cọt kẹt và khóa lại.

“Chết tiệt! Ngày mai cậu cứ chờ đó!”

Hoàng Bách Hàm không còn cách nào khác, đành phải mở cửa sổ xe uy hiếp.

“Chúc ngủ ngon!”

Trần Trứ thậm chí không nhìn lại, anh duỗi tay ra và vẫy tay hai lần.

Cơn gió chiều đung đưa bộ đồng phục học sinh rộng thùng thình, tấm lưng của chàng trai trẻ mảnh khảnh và thẳng tắp dưới ánh đèn đường.

Hoàng Bách Hàm sửng sốt một lát, lúc này cậu ta cảm thấy bạn mình dường như đã thay đổi.

Trước khi xuống xe còn trêu chọc Hoàng Bách Hàm, điều này khiến Trần Trứ cảm thấy rất vui vẻ.

Hai người vẫn như xưa. Đối với tình bạn này, sự trọng sinh dường như vừa thêm vào một trải nghiệm “lâu không gặp tựa như mới quen, dù thân thiết nhưng cũng xa lạ”.

Tuy nhiên, khi theo trí nhớ của mình đến một khu phố quen thuộc, Trần Trứ không khỏi cảm thấy bồn chồn.

“Gặp lại được bố mẹ trẻ hơn nhiều tuổi, liệu mình có thích ứng nổi không đây.”

Đứng trước cửa nhà, Trần Trứ giơ tay lên rồi hạ xuống, cứ do dự như thế vài lần rồi mới nghiến răng gõ cửa “cộc, cộc, cộc”.

“Về rồi đấy à!”

Không lâu sau, một người phụ nữ trung niên bước tới mở cửa.

Bà ấy khoảng bốn mươi tuổi, dáng người trung bình, khóe mắt có vài vết chân chim mờ nhạt. Sau khi nhìn thấy Trần Trứ, một nụ cười bất giác hiện lên trên gương mặt của bà ấy.

Vết chân chim cũng giống như bông sen đang nở, nhẹ nhàng vươn ra.

Đây là mẹ của anh, Mao Hiểu Cầm, làm việc tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Thành phố.

Mao Hiểu Cầm thời trẻ thường xuyên phải trực ca, giờ bà ấy đã có chức danh chuyên môn, mà cũng có rất nhiều bác sĩ trẻ luân phiên ở khoa cấp cứu, bà ấy hầu như chỉ cần làm việc vào ban ngày. Đúng lúc bà ấy có thời gian để chăm sóc cho Trần Trứ, một học sinh tốt nghiệp trung học.