Yên Tử vốn là một ngọn núi vô danh, bởi vì là nơi Giác Hoàng ở mà trở thành linh sơn, thánh địa trong thiên hạ, không người dám khinh nhờn. Yên Sơn quanh năm bị mây mù che phủ, ngoài đệ tử Phật môn thì nghiêm cấm người khác đến gần. Để tránh có kẻ không có mắt quấy rầy Giác Hoàng thiền định, đương kim hoàng đế Trần triều đã phái một chi cấm quân tới trấn thủ các con đường trọng yếu thông lên trên núi khiến Yên Sơn trong mắt dân chúng càng phủ thêm sắc thái thần bí, huyền diệu.
Nhưng lúc này, sự yên tĩnh, huyền bí của Yên Sơn bị tiếng động của một đoàn mấy chục người ngựa phá vỡ.
Trên con đường đất bên dưới chân núi, mấy chục binh sĩ cưỡi chiến mã, mặc giáp phục quân đội Trần triều, bảo vệ lấy chiếc xe ngựa ở giữa phóng về phía trước. Mãi cho đến khi cách trạm gác của cấm quân triều đình khoảng trăm thước, mới ghìm giây cương, giảm tốc độ chậm lại. Từ trong xe ngựa, một lão già thân hình gầy gò vén rèm vải che cửa thùng xe bước xuống. Lão già giống như có bệnh trong người, dù đã được một tên lính hầu đỡ xuống, nhưng cũng không cách nào che đậy được sự nhọc nhằn trong từng bước chân của lão.
Ngay khi đoàn người đi tới chân núi, người ở bên trong quân doanh cũng đã sớm phát hiện động tĩnh phía ngoài, mấy trăm cấm quân kiếm giáp chỉnh tề làm thành thế trận phòng ngự, cảnh giác nhìn phía trước. Lúc này, một người đàn ông thân hình cao lớn, mặt mũi nghiêm nghị, mặc giáp phục chỉ huy, eo dắt trường kiếm, cả người tản ra một loại khí thế vô hình chỉ có trên những người từng trải qua sinh tử nơi chiến trường, bước ra từ bên trong lều vải của cấm vệ quân, nhìn về đám người mới đến. Người đàn ông là Trần Kinh Đồng, chỉ huy của nhánh cấm vệ quân phụ trách trấn thủ con đường lên núi này. Người có thể trở thành chỉ huy của một đơn vị quân trong cấm vệ quân của triều đình tất nhiên không phải hạng tầm thường, Trần Kinh Đồng thừa biết địa vị của người đang tu hành trên ngọn núi kia quan trọng như thế nào trong lòng của Bệ Hạ, cho nên từ khi được điều đến đây, hắn vô cùng cẩn trọng, chỉ huy binh lính phía dưới canh gác nghiêm ngặt, chưa từng dám lơ là, có lẽ cũng chính vì sự cẩn thận này mà Trần Kinh Đồng dù mới ba mươi tuổi đã thăng đến Đô trưởng Cấm vệ quân của triều đình. - Thì ra là Minh Văn Hầu phủ - Trần lão, xin lượng thứ cho mạt tướng không nghênh đón từ xa. - Trần Kinh Đồng giống như đã nhận ra được thân phận của lão già ốm yếu trước mặt, vội vàng thu lại sát khí của bản thân, nhanh chóng bước lên, hơi cúi người chắp tay chào. - Có thể khiến cho Trần lão không quản đường xá xa xôi, đích thân từ kinh thành đi tới nơi này tất nhiên là việc lớn trọng đại, nếu cần ta phối hợp mà nói, chỉ cần trong quyền hạn của Kinh Đồng, nhất định sẽ dốc hết sức mình. - Ta chỉ là một lão quản gia nhỏ nhoi mà thôi, sao dám phiền tới Đô trưởng. - Ở phía đối diện, lão già được gọi Trần lão mỉm cười chắp tay đáp lễ, sau đó lấy từ trong vạt áo ra một tờ thiệp thông hành có đóng dấu của Binh bộ Thượng thư sảnh, đưa cho Trần Kinh Đồng, nói. - Lần này ta tới đây là có việc quan trọng muốn bẩm báo với Lão Hầu gia, mong Kinh Đồng tướng quân tạo điều kiện để lão nô lên núi. - Nếu Trần lão quản gia đã có giấy thông hành của Binh bộ, ta tất nhiên phối hợp. Chỉ có điều Yên Sơn cấm các loại xe ngựa, vật cưỡi, ta thấy sức khỏe của Trần lão dường như không được tốt lắm, sợ là lên núi sẽ gặp khó khăn. - Trần Kinh Đồng tất nhiên biết “Lão Hầu gia” trong lời nói của đối phương là ai, biểu hiện càng thêm cung kính. Hắn kiểm tra giấy thông hành Trần lão quản gia đưa tới, xác nhận không có vấn đề gì liền hơi khom người, nâng hai tay trả lại giấy thông hành, đáp lời.
- Đa tạ ý tốt của Kinh Đồng tướng quân. - Trần lão nhận lấy giấy thông hành cất vào trong vạt tay áo, nhẹ giọng cười đáp. - Ta mặc dù đã gần đất xa trời, nhưng dù sao lúc trẻ cũng đã từng là quân sĩ đi theo Lão Hầu gia chinh chiến, còn không đến nỗi không leo nổi Yên sơn.
- Nếu đã như vậy, mời Trần lão! - Trần Kinh Đồng không nhiều lời, hắn hơi lùi lại nhường đường, giương tay làm tư thế mời khách. Đợi đến khi bóng dáng của Trần lão biến mất nơi đường núi, Trần Kinh Đồng chau mày quay đầu nhìn về phương hướng Trần lão đi tới lúc trước, trầm mặc không nói.
Người đời đều biết sau khi Giác Hoàng nhường ngôi cho đương kim Bệ Hạ rồi đi tới Yên sơn tu hành, đã thu nhận hai người đệ tử thân truyền là Pháp Loa và Minh Văn Hầu Trần Bân. Không nói đến Pháp Loa thiền sư thân thế có phần bí ẩn ra thì Minh Văn Hầu lại là một người thuộc về dòng dõi hoàng tộc có chiến công to lớn trong cuộc chiến tranh với Mông Nguyên. Chỉ là sau khi đi theo Giác Hoàng tới Yên Sơn, Minh Văn Hầu một lòng tu hành, không còn để tâm đến thế tục, ngay cả chuyện của Minh Văn Hầu Phủ cũng đã từ lâu không hỏi han đến. Có thể khiến cho một lão già sắp gần đất xa trời như Trần lão không quản đường xá xa xôi, lặn lội từ Kinh thành tới Yên Sơn, như vậy nhất định là Hầu phủ đã xảy ra đại sự khiến cho đối phương không thể không kinh động tới Minh Văn Hầu. Trần Kinh Đồng suy nghĩ một hồi vẫn không có kết quả, hắn thở dài một hơi, sau đó quay sang một tên tướng sĩ bên cạnh, hạ lệnh.
- Mưa gió nổi lên, thiện hạ sợ là sẽ không thái bình. Truyền lệnh của ta, tăng cường canh gác Yên Sơn, ai dám lơ là, dựa theo quân pháp xử trí.
… Yên Sơn cao ngàn thước, bên dưới chân núi xây dựng lên từng tòa Phật tự, bên trong truyền ra từng tiếng tụng kinh, hương khói tỏa ra nghi ngút khắp không gian. Trần lão bước đi trên con đường lát đá xanh, không dừng lại ở những kiến trúc dưới chân núi mà đi một mạch lên trên núi. Đường núi càng lên cao càng trở nên trật hẹp, gập ghềnh khó đi, kiến trúc cũng trở nên thưa thớt, đến độ cao bốn trăm thước, ngay cả đường đi cũng đã không còn lát đát mà biến thành đường đất, bề ngang vừa đủ một người đi. Trần lão bước đi có phần khó nhọc đi tiếp đường núi nửa canh giờ, rốt cuộc nhìn thấy một tòa Phật tự nhỏ được xây dựng trên một vách đá khổng lồ. Tòa Phật tự làm bằng gỗ, phần mái thò ra khỏi vách đá dựng đứng được lợp bằng ngói âm dương màu vàng, so với những kiến trúc Phật tự dưới chân núi lộ ra đơn sơ hơn nhiều. Phía ngoài cửa Phật tự treo một tấm biển gỗ màu nâu nhạt đã cũ kĩ khắc ba chữ “Quỳnh Lâm Tự”, Trần lão đi tới khoảng sân trước cửa tự, nhìn tấm biển cũ thật lâu không nói gì.
Không biết qua bao lâu, lão thở dài một hơi, hai tay phủi bụi, chỉnh lại y phục cho ngay ngắn, sau đó đột nhiên quỳ xuống, dập đầu trước cửa tự.
- Nô tài Trần Đông Lăng bái kiến Lão gia! … Đằng sau cánh cửa gỗ đã cũ của Quỳnh Lâm Tự vẫn là một khoảng im lìm, Trần lão không có bất cứ dấu hiệu vội vàng nào, vẫn một mực quỳ xuống chờ đợi.
Thời gian trôi qua một khắc, cánh cửa của Quỳnh Lâm tự giống như bị một cỗ sức mạnh kì dị mở ra, sau đó từ sâu bên trong chính điện của Quỳnh Lâm tự truyền đến một giọng nói trầm ấm.
- A Di Đà Phật! Thí chủ, mời vào!
- Nô tài tuân lệnh! - Trần lão nghe được giọng nói truyền ra từ bên trong Phật tự liền không tự chủ được run nhẹ thân hình, khó nhọc đứng lên.
Không gian bên trong Quỳnh Hoa tự khá nhỏ, cũng không bày biện cầu kỳ; vị trí chính điện đặt một pho tượng Phật cao hai thước đúc bằng đồng đen, hai bên đặt hai giá gỗ ba tầng xếp từng cây nến lớn cỡ cổ tay đã đốt được non nửa. Ở bên dưới tượng Phật, một lão tăng khoác chiếc áo cà sa đã cũ sờn nhắm mắt ngồi thiền định.
- Lão gia! - Trần lão bước vào trong chính điện, nhìn lão tăng nhắm mắt thiền định trước mặt, lão lần nữa khụy gối, quỳ phịch xuống đất, khóe mắt ngấn lệ, run giọng nói.
- A Di Đà Phật! Bần tăng tu hành ở Yên Sơn đã buông xuống hồng trần, một lòng hướng Phật; thí chủ lần này đến Quỳnh Lâm tự không biết là có việc gì? - Lão tăng chắp một tay tạo thành Phật thủ trước ngực, tay còn lại xoay một tràng hạt làm từ một loại gỗ màu đen, nhắm nghiền mắt, nhẹ giọng nói.
- Lão gia! - Trần lão không đứng dậy, vẫn giữ nguyên tư thế quỳ, dập đầu sát nền đất, nghẹn giọng.
- Minh Văn Hầu đã sớm không còn, giờ đây chỉ có một tăng nhân pháp danh Huyền Tuệ mà thôi! - Lão tăng rốt cuộc mở mắt nhìn Trần Đông Lăng, thở dài, nói. - Thí chủ hà tất nhớ mãi chuyện cũ đã qua!
- Lão gia! - Trần lão rốt cuộc không khống chế được cảm xúc, nước mắt chảy xuống, nghẹn ngào, nói đứt quãng. - Ba ngày trước, thiếu gia…thiếu gia và thiếu phu nhân trên đường hồi Kinh gặp phải mai phục, không may đã… đã… qua đời.
Không gian trong chính điện của Quỳnh Lâm tự một lần nữa rơi vào trầm mặc, chỉ còn tiếng “lộp độp” phát ra từ những cây nến cháy trong không khí giống như âm thanh của thời gian báo hiệu tất cả những đang diễn ra không phải một giấc mộng mà là sự thật. Huyền Tuệ nhắm mắt lại, miệng tụng kinh Phật, nhưng Trần lão biết đối phương cũng không phải hoàn toàn không để ý đến, bởi vì ngay khi lão nói những lời kia, tràng hạt xoay trên tay Huyền Tuệ khựng lại trong khoảnh khắc.
- Sau khi tin tức thiếu gia gặp nạn truyền về Kinh thành đã gây ra chấn động to lớn trong Triều đình. Trong buổi chầu ngày hôm trước trên điện Càn Nguyên, Bệ Hạ vô cùng giận dữ, hạ chỉ cho Hình bộ Thượng thư sảnh và Giám Ma Vệ điều tra, truy bắt hung thủ. Bây giờ Minh Văn phủ như rắn mất đầu, lòng người hoang mang vô cùng, nô tài đã ra mặt trấn an lòng người, ổn định tình hình nhưng cũng biết không giữ được quá lâu, chỉ có thể đi tới nơi này, cầu lão gia rời núi hồi Kinh, trở về ổn định cục diện. - Trần lão giữ nguyên tư thế dập đầu sát đất, tiếp lời. - Trong buổi chầu ngày hôm qua trên điện Càn Nguyên, mặc dù phần lớn văn võ bá quan trong triều đều tỏ thái độ tiếc thương đối với Hầu phủ chúng ta, nhưng cũng có một vài người hướng chủ ý tới việc tiếp quản Trấn Nam quân, lấy lý do là Trấn Nam quân là một trong những đội quân tinh nhuệ nhất của Đại Việt ta, trấn thủ một dải Nam Cương, không thể một ngày không có tướng. Lão gia! Trấn Nam Quân là do một tay lão gia cùng với các bộ tướng trung thành với Hầu phủ ta trải qua bao trận chiến sinh tử, dùng máu viết lên uy danh ngày nay, không thể để rơi vào tay kẻ khác. Nô tài kính xin lão gia xuống núi hồi Kinh, trả thù cho thiếu gia, thiếu phu nhân, trấn thủ Minh Văn Hầu phủ.
Hòa thượng Huyền Tuệ ngồi trên bồ đoàn, vẫn không nói lời nào, chỉ dùng ngón tay cái gạt từng viên châu của tràng hạt. Nhưng không biết là do tâm của lão cũng không tĩnh lặng như biểu hiện bên ngoài khiến cho lực lượng phát ra từ ngón tay mạnh hơn thường lệ hay vì nguyên do gì mà đúng lúc này một viên châu của tràng hạt chế tác từ gỗ Tử Đàn ngàn năm tuổi vốn cứng rắn như kim thiết lại nứt ra một vết dài sau đó nổ tung vỡ thành vô số hạt vụn nhỏ rơi trên mặt đất.
Huyền Tuệ mở mắt nhìn từng viên châu còn lại của tràng hạt rơi ngổn ngang trên mặt đất, không biết qua bao lâu, lão ngẩng đầu nhìn về phía Trần Đông Lăng, lần này lão rốt cuộc không xưng bần tăng mà chuyển thành “ta”, thở dài, nói.
- Tám năm trước ta giao lại Minh Văn Hầu phủ cho Tuyên nhi để đi theo Điều Ngự đến Yên Sơn tu hành. Lúc đó Điều Ngự đã từng nói tương lai không xa ta sẽ có một kiếp nạn lớn trong đời, nếu có thể vượt qua ắt có thể chứng Bồ Đề Tâm, con đường tu hành một thế này là một khoảng quang minh nhưng nếu không vượt qua cũng chính là nói một thế này của ta vô duyên với Phật pháp. Có lẽ Kiếp mà Điều Ngự nói với ta chính là ngày hôm nay.
- Lão gia, là nô tài vô dụng, làm phiền tới lão gia tu hành. - Nge xong lời kia của Huyền Tuệ, thân thể Trần Đông Lăng run rẩy, khuôn mặt vốn đã phủ đầy dấu vết của thời gian lúc này lại càng như già thêm mấy tuổi. Lão đau khổ liên tục dập mạnh đầu xuống đất khiến cho vùng da trán mình toác ra chảy xuống từng giọt máu. - Là nô tài vô dụng… là nô tài đáng chết.
-A Di Đà Phật! Đã là Kiếp, muốn tránh cũng không tránh được! - Huyền Tuệ lắc đầu, phất tay, một luồng sức mạnh vô hình từ bàn tay của lão tăng đi tới bao phủ quanh thân thể Trần Đông Lăng ngăn cản đối phương dập đầu. - Đông Lăng, ngươi theo ta cũng đã được hơn nửa đời người, nói là người hầu nhưng chẳng khác nào thân nhân, sao có thể trách ngươi chứ? Được rồi Đông Lăng, mấy chữ “đáng chết” này cũng đừng nói ra nữa, ngươi đi trước xuống núi đợi ta. Ta còn có chút chuyện cần làm sau đó sẽ xuống núi cùng với ngươi về Kinh.