[Dịch] Sư Huynh Ta Thực Quá Ổn Trọng
Tên truyện gốc: Ngã Sư Huynh Thực Tại Thái Ổn Kiện Liễu. Trùng sinh tại thời đại thượng cổ trước đại chiến Phong Thần, Lý Trường Thọ trở thành một luyện khí sĩ nho nhỏ, không có khí vận gì gia thân, cũng không phải đại kiếp nạn chi tử tiền định nào đó, hắn chỉ có một mộng ước tu tiên trường sinh bất lão. Vì để sống yên phận tại Hồng Hoang tàn khốc, hắn cố gắng không dính nhân quả, giết người xong tất đốt ra tro, mọi việc đều mưu trước rồi mới động, trước sau không bao giờ khinh suất để mình rơi vào vòng nguy hiểm. Giấu con bài tẩy, tu độn thuật, luyện đan độc, chưởng thần thông, bất động vững như lão cẩu, động liền long trời lở đất, động sau nhỏ giọng chạy lấy người. Vốn theo tính toán của Lý Trường Thọ, mình sẽ một mạch trốn ở trong núi bình an vô sự tu hành thành tiên. Nhưng đến một ngày, lão sư phụ của hắn tĩnh cực nghĩ động, lại thu nhận về cho hắn... một sư muội... Ngã Sư Huynh chính thức lên kệ sách Khởi Điểm ngày 13/10/2019, đến 9/3/2020 đã ra được 328 chương (bình quân 2 chương/ngày), gần 132 vạn chữ (bình quân 4000 chữ/chương). Hiện đang đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng tổng Nguyệt Phiếu của Khởi Điểm (từ tháng 1/2020 bắt đầu vào top 5). Nếu chỉ xét riêng thể loại Tiên hiệp, từ tháng 12/2019 (sau 2 tháng ra mắt) đã trèo lên đầu bảng. Nếu chỉ có 1 chữ để bình truyện thì theo ta đó là HÀI. Review : web 2k xếp Ta Sư Huynh thuộc thể loại… Ngôn tình. Như vậy, Ta Sư Huynh giống một… món lẩu thập cẩm có thể làm khoái khẩu nhiều nhóm thực khách. Như nhiều tác giả tiểu thuyết mạng khác, Ngôn Quy cũng chọn mô thức Trùng sinh, Xuyên việt thịnh hành (ta đã từng luận ở đây). Nhưng lão Ngôn rất "biết mình biết người", tuân thủ luật chơi, không "phá cách", thể hiện ngay từ chữ "Ổn" trong tên truyện. Main Ta Sư Huynh Lý Trường Thọ trùng sinh ở thời đại tiền Phong Thần đại kiếp, rất "kính thuận" Thiên Đạo, luôn tụng niệm "Ổn Tự Kinh" do hắn tự viết ra, hết sức cố gắng tránh né liên lụy những mối quan hệ nhân quả đương đại mà hắn còn nhớ được từ ký ức đời trước của mình. Lấy bối cảnh của Phong Thần và Tây Du Ký, những tiền thân kinh điển của dòng Tiên hiệp, là lựa chọn khôn ngoan của Ngôn Quy. Tác giả không cần phải "nát óc" sáng tạo hệ thống tu luyện mới, cấu trúc tu tiên giới mới (điều khiến không ít người viết khác gặp khó khăn, rất dễ bị "sụt hố" rơi vào những "sơ hở", "lỗi" hệ thống, khiến truyện thiếu logic hoặc rời rạc). Những Đường Tăng Kim Thiền Tử, Thiên Bồng nguyên soái, Na Tra thái tử, Thái Thượng Lão Quân,… tự bao đời nay độc giả đã thuộc nằm lòng. "Diễn nghĩa" lại Phong Thần đại kiếp, trước đây đã có tác giả Điểm Tinh Linh làm với Ngã Vi Trụ Vương Chi Ngạo Khiếu Phong Thần. Nhưng theo chủ quan của ta, Ngã Vi Trụ Vương "YY" hơn, vì ngay từ tên truyện đã toát lên đại ý: main Trương Tử Tinh nhập vào quân "Tướng" đen của bàn cờ là Trụ Vương và đảo ngược lại hoàn toàn kịch bản Phong Thần, từ quân cờ trở thành người chơi cờ, thậm chí còn lật tung bàn cờ, trở thành tồn tại đỉnh cấp ngang Đạo Tổ Hồng Quân. Còn Ta Sư Huynh Lý Trường Thọ từ đầu chí cuối vẫn chỉ khiêm tốn nhận vai 1 quân cờ (cuối cùng trở thành Thái Bạch Kim Tinh Lý Trường Canh), luôn "trên kính dưới nhường". Nhưng chính như thế, ở thời đại "Hồng Hoang hung hiểm" mà đại năng đại cao thủ dù tới cấp bậc Đại La (chỉ dưới Thánh Nhân và Đạo Tổ) cũng không thể tự quyết được vận mệnh bản thân, thì việc "ngọ nguậy" tìm kiếm không gian sinh tồn càng khó, càng cần phải dùng trí chứ không thể cậy sức. Ngã Vi Trụ Vương dù xuyên không nhưng được "mang theo bộ đề đáp án vào phòng thi", đó là siêu máy tính "siêu não", còn lợi hại hơn cả Tiên Thiên Chí Bảo. Trong khi đó, Ta Sư Huynh cơ bản chỉ dựa vào cái đầu đa mưu túc trí, "quỷ kế đa đoan". Lấy "Ổn" làm đầu, Lý Trường Thọ luôn giấu bài tẩy, hành xử "điệu thấp", hiểu rõ "nhân ngoại hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên". Và quả thực đến chương 341 hắn đã gặp đối thủ ngang cơ về mưu kế, hứa hẹn tiếp theo sẽ có các màn "đấu cờ" hấp dẫn như giữa Gia Cát Lượng với Tư Mã Ý. Hài vẫn là vị khoái khẩu nhất của Ta Sư Huynh. Ta đã không nhịn được cười với những màn "ăn vạ" đỉnh cao của Đại đệ tử ngoại môn Tiệt giáo Triệu Công Minh, mà tác giả kịch bản gốc là Lý Trường Thọ. Cần phải nói đây là hài kiểu hề chèo, hóm hỉnh, thâm thúy, chứ không phải kiểu chọc cười mì ăn liền. Và đã xuất hiện những đại tràng cảnh có thể lấy đẫm nước mắt của độc giả, như ở chương 342 Long tộc như thiêu thân lao đầu vào lửa để lấp hải nhãn bị thiêu thân. Hồi nhỏ ta luyện "truyện chưởng" (tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa truyền thống, tiền thân của Tiên hiệp) vẫn thích nhất các bộ mà dưới tiêu đề có dòng "Võ hiệp kỳ tình, trường thiên tiểu thuyết". Anh hùng phải có mỹ nhân bầu bạn. Ta Sư Huynh đến nay về khoản "kỳ tình", có thể nói lão Ngôn đã múa bút khá đặc sắc, lại phóng khoáng. Lý Trường Thọ không chỉ có "tam tinh củng nguyệt" trong tông môn nhà hắn mà còn "không cố tình" làm xiêu lòng cả một đại danh đỉnh đỉnh Vân Tiêu tiên tử, đại năng cấp Đại La đứng đầu Tam Tiêu của Tiệt giáo. "Phóng khoáng" không quá khuôn phép lễ giáo là việc Tửu Cửu tiểu sư thúc "yêu rượu hơn mạng" của Lý Trường Thọ cũng là một trong "tam tinh" vây quanh hắn. Trong Võ hiệp Trung Hoa truyền thống, thì "vua" Kim Dung bác đại tinh thâm, còn "chúa" Cổ Long sở trường miêu tả tâm lý nhân vật. Đến thời tiểu thuyết mạng hiện nay, về thể loại Trùng sinh xuyên việt và hào tình, theo thiển ý của ta, Cực Phẩm Gia Đinh là… cực phẩm, đúng như tên truyện. Về vị hài trong Tiên hiệp, cũng trong hiểu biết hạn hẹp của ta, chưa bộ nào qua mặt được Già Thiên. Nhưng Ta Sư Huynh có triển vọng kế thừa truyền thống phát dương quang đại, trở thành một viên bảo đan hòa trộn được tinh túy của cả hai danh tác nói trên. Mượn Phong Thần bối cảnh, Tây Du tiền truyện, Tam Quốc quyền mưu. Pha trộn kiến văn bác đại tinh thâm của Kim Dung với ngòi bút miêu tả tâm lý xuất sắc của Cổ Long. Dung hợp văn tài võ lược kiêm toàn và hào tình của Cực Phẩm Gia Đinh Lâm Vãn Vinh với chất tiếu lâm "cười nôn ruột" của Già Thiên. Vân vân và vê vê... :)) Thật là một món "lẩu thập cẩm" có tiềm năng hút khách hết sức hứa hẹn. Mong quý chủ sự Bạch Ngọc Sách để mắt lưu tâm!